TÚI NILON TỪ KHOAI MÌ - GIẢI PHÁP MỚI CHO CHÚNG TA!
Ngành công nghiệp in bao bì nilon, các nhà khoa học, người tiêu dùng vui mừng trước tin tức tìm ra sản phẩm có thể thay thế túi nilon độc hại chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày. Đó chính là nilon sinh học làm từ khoai mì.
Bạn có biết, mỗi năm, các thành phố lớn của Việt Nam thải ra khoảng 200.000 tấn nhựa, trong đó túi ni-lông và bao bì nhựa là 150.000 tấn. Phần lớn số này được chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên đất. Trước thực trạng đó, PGS-TS Trương Vĩnh, Trưởng Bộ môn Công nghệ hóa học Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất một loại polymer sinh học mới được làm từ bột khoai mì. Sản phẩm có triển vọng thay thế ni-lông không phân hủy hiện đang bị lên án gây nguy hại cho môi trường.
Cùng tìm hiểu xem, “chiếc túi thần kì” này có những ưu điểm nào nhé!
1.Độ bền cao
Theo PGS-TS Trương Vĩnh, màng polymer sinh học này có thành phần nguyên liệu chính từ tinh bột khoai mì, kết hợp với glycerol và một số chất phụ gia được phối trộn theo một tỉ lệ nhất định. Sau khi phối trộn, hỗn hợp được đưa vào ép khuôn thành dạng tấm mỏng như ni-lông thông thường. Công đoạn tiếp theo là đưa vào sấy khô và tạo ra thành phẩm có màu trắng hơi mờ, có khả năng ứng dụng làm bao bì. Từ những tấm màng này, nhà nghiên cứu tiến hành tạo hình dạng túi. Với những chỗ nối sẽ được ghép mí bằng máy ép hàn nhiệt, độ bền chắc của các mí ghép này bằng 60% sức bền của bao bì.
- Để tạo nên loại ni lông tự phân hủy này, theo PGS-TS Trương Vĩnh, chỉ cần dùng loại bột khoai mì thô thông thường được bán nhiều ở các chợ.
- Có thể chống nước, chống ẩm mốc
- Đến nay, ở quy mô phòng thí nghiệm, tác giả đã tạo ra được vài chục chiếc túi từ bột khoai mì với kích thước 9 cm x 19 cm, có khả năng chứa được vật nặng từ 0,5 kg – 1 kg. Túi ni lông này có độ bền tương đương nhựa hóa học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Túi nilon khoai mì thân thiện với môi trường ngay từ ý tưởng, các công đoạn sản xuất và cho đến tận lúc phân hủy.
Về khả năng phân hủy, PGS-TS Trương Vĩnh cho biết chỉ sau 60 ngày chôn dưới đất, màng polymer nói trên sẽ trải qua quá trình bị vi khuẩn, nấm men, enzyme tiêu hóa như là nguồn thức ăn, qua đó hình dạng ban đầu của chất đó biến mất. Trong khi túi nilon thường phải mất đến cả 500 năm. Quá trình phân hủy sinh học diễn ra tương đối nhanh, không độc và không đe dọa môi trường. Nếu ngâm dưới nước, chỉ sau vài ngày túi sẽ bị phân hủy hoàn toàn.
Ứng dụng khả thi nhất hiện nay là dùng ni-lông này làm bao bì đựng các đồ khô. Riêng các loại thực phẩm, đồ có độ ẩm cao, cần phải thêm một số chất nhằm tăng cường khả năng chống thấm cho vật liệu. Ngoài ra, nhờ tính dễ phân hủy, ni-lông từ khoai mì có thể được ứng dụng làm các loại túi ươm cây để sau một thời gian chôn dưới đất sẽ tự tiêu.
Hi vọng rằng những phát minh thay thế túi nilon ngày càng nhiều và được ứng dụng cao trong thực tế. Chúng ta sẽ đợi chờ một thế hệ không túi nilon.