Sự thật ít ai biết về bao bì tự hủy

 

Ngày nay túi nhựa là nguyện liệu được sử dụng rộng rãi, phổ biến và trở thành thiết yếu trong nhiều thói quen. Tuy nhiên, túi nhựa, bao bì nilon thực sự là những kẻ thù với môi trường. Các nhà khoa học vẫn đang không ngừng tìm kiếm các giải pháp để thay đổi thói quen và tìm ra nguyên liệu thay thế nhựa, nilon. Có thể kể đến giải pháp tiêu biểu là túi phân hủy sinh học hay có thể gọi là túi nhựa tự phân hủy. Chiếc túi này xuất hiện trên thị trường Việt Nam liệu có phải một sai lâm?

Túi phân hủy sinh học của Đức, Hà Lan khi có tác dụng của vi sinh vật có trong môi trường (đặc biệt là ở môi trường có mật độ vi sinh vật cao) sẽ chuyển hóa thành CO2 và H2O (nước) hoặc tạo thành chất hữu cơ đơn giản và hòa tan trong môi trường. Còn túi nhựa tự hủy chỉ vỡ vụn thành những mảnh có kích thước rất nhỏ sau một thời gian bị tác động của loại hóa chất mà nhà sản xuất dùng để sản xuất sản phẩm này, sau đó phát tán trong môi trường. Túi nhựa tự hủy chỉ thay đổi về mặt kích thước của vật liệu sau một thời gian phân rã, chứ bản chất của nguyên liệu dùng sản xuất ra chúng không hề thay đổi.

Như vậy, túi nhựa tự hủy hoàn toàn không có ý nghĩa gì về bảo vệ môi trường, thậm chí còn có tác hại đến môi trường. Thực tế, để mảnh nhựa có kích thước lớn còn dễ xử lý hơn là dùng hóa chất để chúng tự hủy thành những mảnh nhỏ li ti. Phế thải nhựa càng vụn càng phát tán trong môi trường nhanh, rộng và càng khó xử lý bấy nhiêu.

Ông Michael Laurier – tổng giám đốc Symphony Plastics  chỉ ra rằng túi nhựa làm từ bột bắp về lầu dài có thể gây hại cho môi trường nhiều hơn so với túi ni-lông thông thường. “Khi loại túi nhựa sản xuất từ bột bắp bị vứt ra bãi rác, trong quá trình phân hủy, chúng giải phóng methane – khí gây hiệu ứng nhà kính cực mạnh”. Hiệp hội Nhựa Tự hủy Anh quốc cho rằng một số loại nhựa tự hủy (trong đó có loại làm từ bột bắp) chứa đến 50% thành phần nhựa nhân tạo có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Đó là chưa nói nhân loại có thể phải “trả giá” đắt hơn trong việc sản xuất túi xách từ những nguyên liệu thay thế như bột bắp hoặc dầu cọ. Mới đây, một báo cáo của tổ chức môi trường Hòa bình Xanh báo động thực trạng phá hủy rừng trên diện rộng ở Indonesia để trồng cọ nhằm đáp ứng nhu cầu dầu cọ đang tăng cao. Đất vốn là kho dự trữ khí carbon hiệu quả. Đốt rừng không khác nào giải phóng hàng tấn khí các-bô-níc (CO2) vào bầu khí quyển. Vấn đề là trong tương lai chúng ta sẽ sử dụng thứ gì để mang hàng hóa về nhà? Peter Robinson – Giám đốc tổ chức Theo dõi Rác thải ở Luân Đôn nói: “Trước hết và quan trọng hơn hết là phải hạn chế dùng túi ni-lông đồng thời khuyến khích việc sử dụng túi xách có thể tái sử dụng nhiều lần”.